Xin chào quý khách hàng, sơn công nghiệp hiện nay là sản phẩm không thể thiếu trong quy trình sản xuất nội thất gỗ. Trước kia, khi khái niệm PU, PE còn rất xa lạ, Vecni tự nhiên là lựa chọn số một cho nội thất gỗ. Tuy nhiên hiện nay, với công nghệ sơn ngày phát triển và an toàn, sơn PU đã bộc lộ được nhiều ưu điểm mà vecni truyền thống không thể đem lại. Trong bài viết này mời anh chị cùng Pixel Home tìm hiểu xem sơn PU là gì? và quy trình phun sơn PU chuẩn nhất cho nội thất gỗ.
1. Sơn PU thực chất là gì?
1.1 Khái niệm sơn PU
Sơn PU tên đầy đủ là Polyurethane, nó là một loại polymer có nhiều ứng dụng khác nhau trong thực tiễn. Sơn PU có hai dạng tồn tại chính là dạng cứng và dạng foam (dạng bọt xốp). PU dạng cứng được sử dụng để phun bóng và bảo vệ bề mặt nội thất gỗ. Đối với dạng foam, nó được ứng dụng để làm nệm mút trong các loại ghế ngồi, đệm ngủ, đệm sofa… Ngoài ra, PU dạng foam còn được sử dụng như vật liệu cách âm, cách nhiệt, làm đệm lót thùng, lót hộp bảo vệ cho các sản phẩm dễ vỡ…
Sơn PU là một lớp phủ gồm nhiều lớp khác nhau, nghe có vẻ tương tự như lớp phủ Melamine của gỗ công nghiệp vậy. Nhìn chung, có thể tách sơn PU thành 3 lớp sau:
- Lớp sơn lót: Sơn lót có tác dụng làm mịn bề mặt, che các khuyết điểm của nội thất gỗ. Quá trình sơn lót cần phải làm cẩn thận và kĩ lưỡng, nhằm tạo ra bề mặt nền phẳng mịn hoàn toàn, đảm bảo quá trình phun sơn sau được thuận lợi.
- Lớp sơn màu: Lớp sơn màu tạo ra màu sắc riêng cho nội thất. Cách pha chế sơn màu cần có kĩ thuật, tỉ lệ pha phải chuẩn xác nhằm đảm bảo sau khi hoàn thiện quá trình phủ bóng, bề mặt gỗ sẽ lên màu như ý của khách hàng.
- Lớp sơn bóng: Lớp sơn bóng được phun lên sau cùng, có tác dụng tăng độ bóng sáng, tạo thẩm mỹ cho nội thất. Lớp phun bóng có đặc tính cứng lại khi khô, hiệu quả trong việc bảo vệ nội thất khỏi trầy xước, mối mọt và ẩm mốc.
1.2 Công dụng của phun sơn PU với nội thất gỗ
Công dụng của nội thất gỗ khi sơn PU bề mặt có thể kể như:
– Tăng độ bền cho sản phẩm: Quá trình phun sơn PU hoàn thiện sẽ hình thành lớp phủ tương đối dày và cứng, nó sẽ là lớp áo báo vệ hữu hiệu giúp nội thất của bạn chống lại các ngoại lực tác động.
– Hạn chế mối mọt ẩm mốc: Nội thất phun sơn PU có hiệu quả cao trong việc chống lại mốt mọt và ẩm mốc.
– Tăng thẩm mỹ cho nội thất: Sơn PU thường phủ bóng ngoài, tạo độ sáng và sang trọng hơn cho nội thất, đặc biệt với bàn ghế và tủ kệ gỗ tự nhiên đắt tiền.
– Che khuyết điểm của nội thất gỗ: Các nội thất gỗ tự nhiên thường có các khuyết điểm như vết tràm, vết thâm, vết sâu đục, vết lồi lõm nhỏ…Phun sơn PU sẽ che đi toàn bộ các khiếm khuyết này và tăng thẩm mĩ cho nội thất.
– Hạn chế cong vênh, rạn nứt, chống ố vàng.
Tuy nhiên sơn PU cũng có một vài nhược điểm như:
– Quá trình sơn lại khá tốn thời gian và kinh tế: Khác với đánh Vecni, để phun PU ngoài các dụng cụ chuyên dụng như máy phun sơn, giấy nhám, dung môi hòa sơn… còn cần tới cả kĩ thuật pha và phun sơn. Do đó, việc tự phun sơn PU tại nhà là điều rất khó, cách nhanh nhất là đi thuê đơn vị chuyên phun sơn PU uy tín, tuy nhiên việc này sẽ tốn một khoản kinh phí.
– Phun sơn PU có mùi khó chịu và tương đối độc hại, vì nó là sơn công nghiệp có chứa nhiều thành phần khác nhau, có dung môi là chất dễ bay hơi và có khả năng thâm nhập vào hệ hô hấp. Do vậy công tác bảo vệ trước khi phun sơn PU là quan trọng nhất.
1.3 Các loại sơn PU phổ biến
Sơn PU được chia thành 3 loại chính sau đây, tùy thuộc theo đặc điểm của từng loại gỗ và yêu cầu thực tế sẽ sử dụng loại phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả về độ bền và thẩm mĩ.
--> Sơn 1K
Sơn 1K là loại sơn 1 thành phần, thường được dùng cho các loại đồ gỗ, mây tre, gốm hoặc kim loại.
Ưu điểm của sơn PU – 1K:
– Bám dính bề mặt tốt
– Bền uốn tốt
– Độ cứng cao
– Hàm lượng rắn cao
– Không phai màu
– Chịu thời tiết, chống ố vàng
– Màu sắc tươi đẹp, độ bóng cao
– Dễ sử dụng
Nhược điểm:
– Không có khả năng chống trầy: Với loại sơn này, nội thất cần được bản quản tương đối cẩn thận, nếu bị trầy xước buộc phải sơn lại sẽ tốn thời gian và chi phí.
– Không kháng được dung môi: Nếu để dung môi pha sơn (thinner) nhỏ vào, lớp sơn 1K mà bạn đã vất vả phun sẽ bị hòa tan, do đó cần hết sức lưu ý.
--> Sơn Vinyl
Sơn Vinyl là loại sơn một thành phần được sản xuất đặc biệt dành cho gỗ công nghiệp. Sơn Vinyl nhanh khô và khắc phục được những yếu điểm của sơn NC thông thường. Có thể dùng sơn Vinyl để làm sơn lót hoặc phù bề mặt đều được.
Ưu điểm của sơn Vinyl:
– Bám dính tốt
– Bền uốn tốt
– Màng sơn trong suốt
– Nhanh khô
– Dễ sử dụng
Nhược điểm: Độ cứng chưa tốt
--> Sơn giả gỗ
Đây là loại sơn chuyên dùng để tạo màu cho vân gỗ. Giả cổ là phương pháp tạo màu sắc nổi bật cho gỗ nhưng vẫn giữ được nét tự nhiên góp phần làm tăng thêm giá trị cho gỗ. Các chất tạo màng gồm: Sơn PU, Vinyl, PU – 1K …. Hệ sơn giả cổ sử dụng chất liệu tạo màu chủ yếu là hệ Stain và hệ Glaze.
– Glaze là sản phẩm nhằm tạo màu nền cho gỗ, và tim gỗ nhưng không làm mất tính tự nhiên của gỗ , sản phẩm glaze bao gồm cả hệ dầu và hệ nước, thỏa mãn cả yêu cầu lấp và không lấp tim gỗ, có đủ các loại màu, thỏa mãn tối đa yêu cầu của khách hàng kể cả những khách hàng khó tính nhất. Sản phẩm glaze được thiết kế dành riêng cho phương pháp lau.
– Stain là phương pháp tạo màu transparent cho gỗ, màu tạo nên có độ trong suốt cao giúp tạo nên chiều sâu về cảm quan, làm tăng giá trị của gỗ. Mặc hàng stain rất đa dạng về màu sắc, phù hợp cho nhiều yêu cầu khác nhau. Màu stain được thiết kế dành cho phương pháp phun.
2. Quy trình phun sơn PU chuẩn nhất
2.1 Chuẩn bị pha sơn
– Cách pha sơn lót: 2 lót : 1 cứng : 3 xăng
– Cách pha sơn màu: 1 cứng : 5 xăng : tinh màu (gia giảm tinh màu cho phù hợp tùy theo nhu cầu của Khách hàng)
– Cách pha sơn bóng: 2 bóng : 1 cứng : 3 xăng (gia giảm cho phù hợp tùy theo nhu cầu của Khách hàng).
2.2 Tiến hành chà nhám và phun sơn
Bước 1: Chà nhám và xử lý bề mặt
Sử dụng máy chà nhám và giấy nhám P240 để chà cho đến khi bề mặt đạt yêu cầu, tùy theo mẫu màu sơn mà để nguyên thớ gỗ hay sơn bóng. Tuy nhiên phần lớn đối với khách hàng lựa chọn sơn PU đều sử dụng mẫu sơn bóng.
Đối với trường hợp bả bột, cần lưu ý trên mẫu sơn có xuất hiện các đường vân gỗ không? Nếu có thì phải bả bột bằng bột màu (thường là màu đen hoặc nâu). Mục đích của bước bả bột này giúp lấp đầy các tim gỗ hoặc các vân gỗ bị khuyết trên bề mặt, tránh trường hợp các bước sau sơn sẽ bị hở và tốn nhiều công sức để sửa lại.
Bước 2: Sơn lót lần 1
Sơn lót lần 1 thường sử dụng lớp sơn không màu, theo tỉ lệ 2:1:1. Tuy nhiên có thể gia giảm hoặc thêm các chất phụ gia khác để điều chỉnh tốc độ bay hơi của sơn.
Ví dụ khi thời tiết nóng, hiện tượng bốc hơi sẽ xảy ra nhanh sẽ làm bề mặt sơn bị nổi tim/ bọt khi. Đây là điều mà các thợ sơn không hề muốn bởi thời gian sửa chữa sau này sẽ rất lâu.
Đến bước này hầu như đã lấp đầy các tim gỗ, giờ đây chỉ cần 1 bước sơn lót, có thể sơn tay hoặc bằng súng phun sơn cũng đều được.
Bước 3: Chà nhám cẩn thận và phun lót lần thứ 2
Tiếp tục chà nhám kết hợp với giấy P320. Với lần sơn lót số 2 sẽ làm gia tăng độ mịn cho bề mặt gỗ, giúp màu sắc đẹp hơn, bề mặt căng mịn hơn. Một số thợ sơn cho rằng việc sơn lót lần 2 là không cần thiết nên bỏ qua bước này, dẫn đến tuổi thọ sơn trên bề mặt sản phẩm thường chỉ kéo dài được đến vài năm hoặc thấp hơn
Quá trình sơn PU đẹp cần phải thực hiện theo đúng các bước và các hỗn hợp đều phải được pha ở tỉ lệ như trên. Thời gian chờ khô từ 25-30 phút.
Bước 4: Phun màu
Sơn màu thực hiện 2 lần. Lần một chỉ sơn khoảng 90% mẫu màu yêu cầu. Sau khi đợi sơn khô từ 15-20 phút, tiếp tục tiến hành sơn màu lần 2 lên bề mặt gỗ, hoàn thiện 100% mẫu màu theo yêu cầu. Tại lần sơn thứ 2, thợ sơn sẽ sơn đậm hơn các chỗ còn thiếu màu. Ở bước này cần bố trí thợ sơn có kinh nghiệm để thực hiện. Việc sơn màu là bước quan trọng quyết định toàn bộ khâu sơn PU đồ gỗ do đó bạn cần có phòng kín tránh bụi, luồng gió lưu thông đủ.
Bước 5: Phun bóng bề mặt
Đến khi lớp sơn màu khô, tiếp tục sơn bóng bề mặt. Nhiều thợ sơn kỹ thì họ sơn thêm 1 lần lót nữa để bảo vệ bề mặt sơn, nhưng theo cách trên trong lúc pha sơn màu chúng ta đã cho lót vào rồi nên không cần.
Có nhiều chất liệu bóng như mờ 10%, 20%, 50%, 70% và 100%, lớp sơn này sẽ có tác dụng làm căng và bóng bề mặt thành phẩm giúp tăng giá trị sản phẩm đồ gỗ. Việc phun bóng cần được tiến hành ở nơi không có bụi bẩn.
Bước 6: Bảo quản và đóng gói
Bảo quán và đóng gói là công đoạn cuối cùng để hoàn tất quá trình sơn PU. Sau khi sơn xong cần có 1 khu vực thoáng, rộng để sản phẩm chờ khô. Khu vực đó phải đảm bảo được yêu cầu tránh bụi bặm và bụi sơm bám vào, bởi nó sẽ ảnh hưởng lớn đến độ thẩm mỹ của thành phẩm.
Thời gian chờ khô rơi vào khoảng 12- 16 tiếng cho cả quá trình sơn PU, tùy theo diện tích của sản phẩm.
Khi lớp màng sơn bắt đầu ổn định nhưng chưa khô hoàn toàn, tổng lượng bay hơi của dung môi chiếm khoảng từ 70-90. Khi màng sơn khô hoàn toàn, sự bay hơi chiếm khoảng 10%
Trong khi sơn PU các bạn có thể gặp nhiều các lỗi nhỏ do tay nghề hoặc các trang thiết bị. Nhưng chỉ cần cố gắng khắc phục những lỗi này chắc chắn bạn sẽ là một thợ sơn tốt.
3. Liên hệ với Pixel Home để nhận thêm tư vấn
- Hotline: 0971 553 400
- Địa chỉ: Phú An, Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội
- Website: https://pixelhome.vn/
- Facebook: https://www.facebook.com/noithatpixelhome
- Email: noithat@pixelhome.vn
Pingback: Top 15 Sơn Pu Là Gì - KTHN